Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Trang chủLàm đẹpTia cực tím gây hại da thế nào

Tia cực tím gây hại da thế nào

Tiếp xúc tia cực tím quá nhiều gây bỏng nám, tăng sắc tố da, đẩy nhanh lão hóa, có thể dẫn đến ung thư da.

ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bức xạ tia cực tím (tia UV) trong ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, chất quan trọng để phát triển xương, hoạt động hệ miễn dịch và tạo tế bào máu. Tuy nhiên, tiếp xúc tia cực tím quá nhiều trong thời gian ngắn hoặc tích lũy trong thời gian dài tác động xấu lên da.

Tia UV từ ánh nắng mặt trời có bước sóng trong khoảng 100-400 nm, được chia thành ba loại, gồm UVA (315-400 nm), UVB (280-315 nm) và UVC (100-280 nm). Khi ánh nắng mặt trời xuyên qua khí quyển, tất cả tia UVC và khoảng 90% tia UVB bị hấp thu; tia UVA thì không. Do đó, khi xuống đến mặt đất, tia cực tím gồm chủ yếu là UVA và một lượng nhỏ UVB. Đây là hai tác nhân chính làm tổn thương da.

Cường độ tia cực tím (Ultraviolet Index – UVI) thay đổi theo thời gian trong ngày và theo mùa bởi nhiều yếu tố. Các khu vực càng gần xích đạo, mặt trời lên càng cao, trời càng ít mây… thì UVI càng cao. Giữa trưa mùa hè là thời điểm UVI đạt tối đa. Chỉ số này càng cao càng có khả năng gây tổn thương cho da sớm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra thang đo chỉ số UVI gồm 0-2 là thấp; 3-7 là cao có thể dẫn đến cháy nắng nếu tiếp xúc liên tục trong 25-60 phút; rất cao khi 8-11 gây cháy nắng nếu tiếp xúc liên tục trong 15 phút. Người có làn da trắng có nguy cơ bị tổn thương do tia cực tím cao hơn người có da tối màu.

Tác hại của tia cực tím trên da gồm ngắn hạn và dài hạn. Bác sĩ Thư giải thích tia UVB có bước sóng ngắn hơn, có khả năng thâm nhập và tác động trực tiếp lên lớp thượng bì (lớp ngoài cùng của da), gây ra hầu hết các tổn thương tức thì như đỏ da, bỏng nắng, kích thích sản xuất hắc tố melanin làm tăng sắc tố da, sạm nám, tàn nhang. Nghiêm trọng hơn da có thể phồng rộp, sưng nề, đau rát, nổi mụn…

Thoa kem chống nắng, đội mũ nón rộng vành, đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng để bảo vệ da trước tia cực tím. Ảnh: Ngọc Phạm

Thoa kem chống nắng, đội mũ nón rộng vành, đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng để bảo vệ da trước tia cực tím. Ảnh: Ngọc Phạm

Tiếp xúc quá nhiều tia UVB cũng làm lớp thượng bì dày hơn. Đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của da nhưng có thể gây nhiều tổn thương vì làm cho lớp thượng bì hấp thu và tán xạ tia UVB nhiều hơn.

Tia UVA có thể xuyên thấu qua các loại kính thông thường như cửa sổ hay kính ô tô. UVA có bước sóng dài hơn, có khả năng xuyên sâu vào da đến lớp bì, tác động lâu dài, tích lũy theo thời gian, âm thầm phá hủy da. Da biến đổi kết cấu và giảm độ đàn hồi, lão hóa sớm như nếp nhăn, túi mỡ, chùng nhão… và làm tăng khả năng mắc các loại ung thư da.

Bác sĩ Thư cho biết trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương trước tác hại của tia UVdo sự khác biệt về đặc điểm cấu trúc da ở độ tuổi này. Người bị cháy nắng khi còn nhỏ có nguy cơ ung thư da cao hơn về sau.

Người thường xuyên làm việc ngoài trời như nông dân, thợ điện, shipper, lao công, người bán hàng rong… thuộc nhóm nguy cơ cao mắc các bệnh da liễu do tia UV và nắng nóng. Ngoài các tác động lên da, tia UV còn có ảnh hưởng nhiều đến mắt và hệ miễn dịch của người bệnh.

Để phòng tránh tác hại của tia UV, bác sĩ Thư khuyến cáo tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian 10h-16h, nhất là khoảng 11h-14h hàng ngày. Nếu phải ra ngoài, nên mặc các loại quần áo dài tay, đeo khẩu trang, đội mũ nón rộng vành có chất liệu dày dặn, thấm mồ hôi, thoáng mát. Đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng nhằm bảo vệ mắt và vùng da quanh mắt. Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 và PA từ 3+ trở lên.

Blog mới

Được quan tâm